TƯ LIỆU LỊCH SỬ ĐỀN LỘC TRUNG
CỦA CHIÊU VIỄN HẦU, ĐẠI ĐÔ ĐỐC ĐẠI TƯỚNG QUÂN,
DỰC VẬN CÔNG THẦN VŨ QUỐC CÔNG
Đền thờ Lộc Trung - Phường Quảng Tiến thờ Đô Đốc Dũng (có họ tên thật là Vũ Văn Dũng) Là một trong Thất hổ tướng của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung Nguyễn Huệ. Ông cũng là một trong những tướng lĩnh trung thành cuối cùng đã chiến đấu để bảo vệ sự tồn tại của vương triều Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam.
Ngay từ đầu, khi ba anh em Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ tụ nghĩa trên đất Tây Sơn thượng đạo, Võ Văn Dũng đã có mặt và tham gia phong trào từ thuở ban đầu, đã gắn bó cả đời mình với phong trào Tây Sơn và phụng sự cho đến những ngày tháng cuối cùng.
Võ Văn Dũng không chỉ là người có sức khỏe, giỏi võ nghệ mà còn rất mưu trí. Với tài năng của mình, Võ Văn Dũng đã sớm được các thủ lĩnh Tây Sơn trọng dụng, sớm được đứng trong hàng ngũ các tướng lĩnh. Trong quân Tây Sơn bấy giờ thường truyền tụng câu nói về tài võ nghệ của Võ Văn Dũng: Võ Văn Dũng quán quân Bách chiến khởi Tây thùy (Tiếng tăm của tướng Võ Văn Dũng trùm khắp ba quân Trăm trận đánh nổi lên từ bờ cõi phương tây) Còn Nguyễn Nhạc khi xem Võ Văn Dũng múa đại đao đã ca ngợi: Phá sơn trung tặc dị Thắng Văn Dũng đao nan (Phá giặc ở trong núi thì dễ, thắng được cây đao của Võ Văn Dũng thì khó)
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình quan lại Triều Lê ở xã Đan Giáp, Huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Gia đình họ Vũ vốn giàu có, nên từ thuở ấu thơ, Vũ Văn Dũng đã có gia sư dạy văn lẫn võ trong nhà. Người vóc to lớn, mạnh mẽ, thông minh, tính tình cương trực, năng động nên Võ Văn Dũng thường thích luyện võ hơn học văn. Nhờ năng khiếu bẩm sinh, nên học võ đến đâu tinh thông đến đó.
Các thầy võ thì phần nhiều cũng chỉ là những tay võ tầm thường, lấy đường roi ngọn quyền làm kế sinh nhai nên mỗi năm lại phải thay một thầy. Vì không gặp được danh sư, nên Vũ Văn Dũng nuôi mộng đi xa tìm thầy học võ.
Năm 20 tuổi, Vũ Văn Dũng vào Phú Yên. Duyên may gặp được lão trượng họ Lương, vốn dòng dõi Lương Văn Chánh ở Tuy Hòa nhận làm đệ tử. Theo thầy, Dũng học được môn đánh trường kiếm và sử dụng đoản đao. Có đôi khi, tay trái dùng kiếm phối hợp với tay phải dùng đoản đao. Sau nghe lời thầy, chuyển về đoản đao để phù hợp với thể chất mạnh mẽ và thân vóc to cao. Tuy học chỉ mới một năm mà võ công tinh tấn bằng 10 năm học tập ở nhà.
Nghe tiếng Nguyễn Nhạc là người hào hiệp, Vũ Văn Dũng tìm đến kết bạn. Câu chuyện tâm đắc, tấm lòng hiểu nhau, nên chẳng bao lâu hai người trở thành bạn tâm giao. Khi Nguyễn Nhạc ngỏ ý về đại nghĩa thì Võ Văn Dũng tán đồng ngay, mọi tổ chức về quân sự, Võ đã cùng Trần Quang Diệu, Võ Đình Tú, Nguyễn Huệ phụ trách. Từ việc lập chiến khu đến việc huấn luyện binh sĩ, Vũ Văn Dũng một mực chu toàn nhiệm vụ được giao. Khi Tây Sơn khởi nghĩa, Vũ Văn Dũng giữ trách nhiệm phòng thủ vùng Tây Sơn thượng.
Biệt tài quân sự của Vũ Văn Dũng có thể nói đó là trình độ về việc điều binh khiển tướng trong các trận đánh Thủy chiến. Đặc biệt là trận đánh Rạch Gầm-Xoài Mút vào đêm 19 rạng ngày 20 tháng 01 năm 1785, quân Xiêm La xâm lược do Nguyễn Phúc Ánh rước sang. Nguyễn Huệ và Võ Văn Dũng chỉ huy thủy binh, còn bộ binh giao cho Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân điều khiển. Nguyễn Huệ cho Vũ Văn Dũng kéo quân tiên phong đi khiêu chiến, giả thua để dụ địch quân lọt vào trận địa mai phục của đại binh do Nguyễn Huệ chỉ huy tác chiến. Quân địch đã bị tiêu diệt hoàn toàn: 5 vạn quân, ba trăm chiến thuyền cháy ngùn ngụt, khói đen kín cả bầu trời, lớp tan vỡ chìm sâu trong dòng sông, không có chiếc nào chạy thoát. Từ đó quân Xiêm không còn dám nuôi ý định xâm lăng nước ta nữa.
Vũ Văn Dũng được phong làm Đô đốc, tước Chiêu vũ hầu Tướng Quân. Năm 1786 Ông được phong làm Đại Tư Khấu trong lần tiến quân ra Bắc lần thứ nhất của Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Năm 1788 Sau khi Quang Trung - Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ 2 ông được giao nhiệm vụ ở lại Bắc Hà cùng với Ngô văn Sở, Ngô Thì Nhậm trông nom chính sự.
Năm Kỷ Dậu (1789). trong chiến dịch tiến công thần tốc đánh tan 20 vạn quân Thanh xâm lược, ông cùng cánh quân chính của Quang Trung - Nguyễn Huệ và các tướng lĩnh cao cấp khác như Đại Tư Mã Ngô Văn Sở, Đô Đốc Phan Văn Lân làm nên chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử, giải thoát quê hương khỏi xiềng xích nô lệ của Trung Hoa. Khi Nguyễn Huệ kéo quân về Nam ông để Vũ Văn Dũng ở lại giữ Hà Tĩnh.
Khi Nguyễn Huệ cử Vũ Văn Nhậm tiến quân chiếm giữ Nghệ An, Vũ Văn Dũng đặt dưới quyền chỉ huy của Vũ Văn Nhậm. Khi Vũ Văn Nhậm chiếm được Thăng Long, Nhậm cử Vũ Văn Dũng kéo quân về bình định xứ Hải Dương
Lần thứ hai ra Bắc để giết Vũ Văn Nhậm. Trước khi về Nam, Nguyễn Huệ phong Vũ Văn Dũng làm trấn thủ trấn Hải Dương .
Quang Trung - Nguyễn Huệ đã tin tưởng giao cho đại đô đốc Vũ Văn Dũng hai lần làm chánh sứ đi Trung Quốc:
Lần thữ nhất: Ngày 18 tháng giêng năm Kỷ Dậu. Quang Trung - Nguyễn Huệ giao cho đại đô đốc Vũ Văn Dũng một nhiệm vụ là làm Chánh sứ sang Trung Quốc thiết lập quang hệ bang giao và xoa dịu Vua Càn Long của Mãn Thanh. Đây là lần đi sứ rất hệ trọng, Vũ Văn Dũng đã hoàn thành sứ mệnh giảng hòa. Ngăn được 50 vạn quân Thanh sắp sang đánh Đại Việt để trả thù, Đấu tranh Bãi bỏ việc triều cống người vàng cho Trung Quốc đã truyền trên 300 năm. Chính vua Càn Long cũng nhận thấy lệ cống người vàng là vô lý và đã ra lệnh bãi bỏ lệ cống người vàng. Tháng bảy năm Canh Tuất, khi tiếp Vũ Văn Dũng ở hành cung Nhiệt Hà, vua Càn Long tặng một bài thơ trong đó có câu "Thắng triều vãn sự bỉ kim nhân" (việc triều trước bắt cống người vàng là đáng khinh bỉ) Cuộc đi sứ lần này của Đại đô đốc đã mở ra một thời kỳ giao thiệp hòa bình giữa hai nước Đại Việt - Mãn Thanh.
Lần thứ hai: Khi vua Quang Trung trù tính việc đòi lại những phần đất biên giới mà các thổ quan nhà Thanh chiếm của Đại Việt thời kỳ nghĩa quân Hoàng Công Chất, (Năm 1769). Để thăm dò thái độ vua Càn Long, không những vua Quang Trung hỏi con gái vua Thanh làm vợ, mà nhà vua còn xin nhà Thanh hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây để làm Đô nữa.
Vào ngày rằm tháng 4 năm Quang Trung thứ 4 (1791), Lúc này Vũ Văn Dũng đang nghỉ ở quê nhà trong trấn Hải Dương. Vua Quang Trung cử thân tín đến truyền sắc chỉ cho Vũ Văn Dũng như sau:
"Sắc truyền cho Hải Dương Chiêu viễn đô đốc tướng quân dực vận công thần Vũ quốc công được gia phong chức chánh sứ đi sứ nước Thanh, được toàn quyền trong việc đối đáp tâu xin hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây để dò ý và cầu hôn một vị công chúa để chọc tức. Phải thận trọng đấy! Hình thế trong chuyến dụng binh đều ở chuyến đi này. Ngày khác làm tiên phong (đánh nước Thanh) chính là khanh đấy. Kính thay sắc này!"
Vũ Văn Dũng cầm đầu sứ đoàn mang hai tờ biểu, một tờ cầu hôn, một tờ xin đất làm đô đến Yên Kinh và được vào bệ kiến vua Càn Long. Vũ Văn Dũng đã hoàn thành cả hai nhiệm vụ: cầu hôn và xin đất làm đô.
Về vấn đề cầu hôn, Dũng đặt chuyện nói với vua Càn Long rằng: An Nam quốc vương nay đã lớn tuổi mà hôn nhân vẫn chưa định. Ở trong nước thì mọi người đều là thần tử cả, con gái các vua chúa láng giềng, thì quốc vương lại không ưa. Vì vậy phải cầu đại hoàng đế ban cho một vị công chúa làm vương phi.
Về vấn đề xin đất làm đô. Vũ Văn Dũng trình bày: An Nam quốc vương ở một nước hẻo lánh, đường bộ đường thủy đều không tiện, mà vượng khí trong đô cũ đã hết rồi. Vì vậy phải xin hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây để làm đô
Trong một cuộc bệ kiến của sứ thần Vũ Văn Dũng, những yêu cầu của vua Quang Trung đã được vua Thanh chấp thuận. Vua Càn Long đang chuẩn bị cho cô công chúa khuê các sang đẹp duyên cùng Quốc vương nước Nam; đất Quảng Tây được hứa sẽ nhường cho Quốc vương phò mã đóng đô. Giữa lúc sứ thần Vũ Văn Dũng đang mừng vui vì sắp hoàn thành một trọng trách quá sức mình, thì được tin sét đánh: vua Quang Trung băng hà. Tại sân điện vua Thanh, Võ Văn Dũng đã ngất đi. Khi tỉnh dậy, ông đã làm ngay một bài thơ than tiếc nhà vua như sau:
Năm năm dấy nghiệp tự thôn nông
Thời trước, thời sau khó sánh cùng
Trời để vua ta thêm chục tuổi
Anh hào Ðường, Tống hết khoe hùng
Mọi việc chính sự đều bị gác lại, Vũ Văn Dũng đành ôm hận trở về nước.
Ngày 16/9/1792 Quang Trung đột ngột bang hà, con là Quang Toản lên nối ngôi. Quang Toản còn ít tuổi, chưa đủ năng lực và uy tín để tiếp nối sự nghiệp của cha, trong lúc đó những mâu thuẫn nội bộ của triều Tây Sơn lại phát triển làm cho chính quyền mới bị suy yếu nhanh chóng. Nhân cơ hội đó, Nguyễn Ánh chuyển sang thế phản công đánh chiếm thành Qui Nhơn (1799), Phú Xuân (1801). Quân Tây Sơn do Đại tư đồ Vũ Văn Dũng và Đô đốc Trần Quang Diệu chỉ huy chiếm lại được thành Qui Nhơn. Nữ tướng dũng cảm của quân Tây Sơn là Bùi Thị Xuân cùng với Quang Toản huy động ba vạn quân ở Bắc Hà, tổ chức cuộc phản công đánh vào phía Nam sông Gianh. Cuộc phản công thất bại nhưng quân Tây Sơn dưới quyền chỉ huy của Bùi Thị Xuân đã để lại một tấm gương chiến đấu rất anh dũng.
Nghe tin quân Tây Sơn bị thua ở Nhật Lệ, Trấn Ninh. Nguyễn Phúc Ánh hoàn toàn làm chủ đất Thuận Hóa, Võ Văn Dũng cùng Trần Quang Diệu đem 3 ngàn quân cùng 80 thớt voi, theo đường sạn đạo sang Lào để ra Nghệ An vào thượng tuần tháng 3 năm Nhâm Tuất (1802).
Đường đi khó khăn, Lam Sơn chướng khí đầy dẫy, khiến cho đoàn quân càng ngày càng hao hụt. Lớp bị bệnh, lớp bị bọn thổ ty theo nhà Nguyễn tập kích, nên khi đến Nghệ An thì mười phần chỉ còn ba bốn. Đoàn tượng binh chỉ còn mươi thớt. Tại Hương Sơn, Võ Văn Dũng cùng Trần Quang Diệu và các tướng bị tướng nhà Nguyễn là Võ Doãn Văn, Lê Đức Định bắt sống.
Ở Diễn Châu, Bùi Thị Xuân hay tin đem nữ binh đi giải cứu. Đến Giáp Sơn thì giải cứu được, nhưng chạy đến sông Thành Chương thì hai vợ chồng Trần, Bùi bị bắt trở lại. Một mình Võ Văn Dũng mở đường máu thoát chạy. Nhưng chạy đến Nông Cống, thuộc Thanh Hóa thì Võ Văn Dũng bị bọn Lê Văn Pháp, Phạm Ngọc Thụy kéo dân địa phương ra bao vây. Với một thanh đoản đao, Võ Văn Dũng đã đánh thắng hai tướng Lê, Phạm xong quá yếu sức vì gian lao đói khát, nên đành buông đao chịu trói.
Bộ ba Dũng, Diệu, Xuân bị đóng cũi giải về Nghệ An. Dọc đường, Võ Văn Dũng phá cũi, thoát ra ngoài, ông giải cứu luôn cả hai vợ chồng Trần, Bùi song hai chân của Trần tướng quân bị sưng phù, không thể chạy trốn được. Bùi nữ tướng đành ở lại cùngchồng.
Đến tháng 7 năm 1802 (mười năm sau khi Quang Trung mất) Nguyễn Ánh mới chiếm được Thăng Long, khôi phục chế độ phong kiến nhà Nguyễn, lấy quốc hiệu Việt Nam, lấy Huế làm kinh đô, Nguyễn Ánh lên ngôi vua gọi là Nguyễn Thế Tổ, lấy hiệu là Gia Long
Sau khi lên ngôi Hoàng đế, Nguyễn Ánh tiến hành khủng bố, trả thù dã man đối với các lãnh tụ thuộc phái Tây Sơn. Con cháu thuộc dòng dõi các lãnh tụ Tây Sơn đều bị truy nã, bị chém giết. Trên 200 tướng soái Tây Sơn vẫn giữ vững ý chí trung thành, kiên cường bất khuất, hiên ngang ra pháp trường.
Hiện tồn tại nhiều ý kiến về xuất xứ, bản quán và ngày mất của Đô đốc Vũ Văn Dũng:
-Theo sử nhà Nguyễn, sách Đại nam Thực Lục ghi rằng sau khi Phú Xuân thất thủ, Đại tư đồ Võ Văn Dũng và vợ tên Lê Thị Vi đều bị bắt và ngày 07/11/Năm Nhâm Tuất (01/12//1802) bị đưa ra pháp trường cùng các tướng lĩnh Tây Sơn bị sử trị hết phép, bêu đầu cho mọi người biết
-Theo gia phả Họ Võ ở xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định thì Võ Văn Dũng Trên đường bị áp giải về Phú Xuân, ông đã phá cũi thoát thân. Lẻn trốn về quê, ông tập hợp người cũ và chiêu mộ thêm nghĩa quân mưu việc phục thù. Ông chọn núi Hòn Hợi ở dưới đèo An Khê làm căn cứ, lên kế hoạch khôi phục cơ đồ.
Nhưng mãi rồi cũng bị bại lộ, con cháu của Nguyễn Nhạc bị giết, ông thoát thân được lại trốn vào một làng người Thượng. Được họ đùm bọc, mãi đến mươi năm sau dưới thời Thiệu Trị (1841-1847) ông mất, thọ trên 90 tuổi. Năm 1907, con cháu đem hài cốt ông về táng tại quê hương tại làng Phú Phong, huyện Tuy Viễn. Nay có nhà thờ ông tại thuộc Thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Tuy nhiên khu lăng mộ này chưa được Nhà nước thừa nhận.
Theo gia phả Họ Võ ở xã Tịnh Châu, Huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi thì Đô đốc Võ văn Dũng sinh ở Thành cổ Châu Sa, xã Tịnh Châu, Huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi
Theo Tư liệu ở Làng La Chữ. Xã Hương Chữ, Huyện Hương Trà, Tỉnh Thừa Thiên Huê cho biết còn lưu giữ quả chuông đồng đúc năm 1791 cao 1,26m, nặng 400 kg có ghi bằng chữ hán do Quận Công Vũ Văn Dũng cùng Chính thất Lê Thị Vi công đức. Cùng khu Lăng mộ của Quận Công Vũ Văn Dũng cùng Chính thất Lê Thị Vi.
Theo gia phả Họ Vũ Đình ở thôn Đan Giáp, xã Thanh Giang, Huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương hiện đang lưu giữ bản sao quyển gia phả của Vũ Vĩnh Thứ, Hậu duệ đời thứ 6 Vũ Văn Dũng viết năm 1870. (Cuốn Gia phả này được tìm thấy năm 1997 ở thôn Yên Vực, xã Hoàng Long, tỉnh Thanh Hóa. Bản chính chữ Hán 137 trang đang được lưu ở Nhà Ông Vũ Đình Ngữ số nhà 184, đường Đội Cung, phường Trường Thi, Thành Phố Thanh Hóa) Trong đó có ghi rõ 3 bản chiếu chỉ của Quang Trung - Nguyễn Huệ ban cho Vũ Văn Dũng ở xã Đan Giáp, Huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Trong đó có chiếu chỉ cử Đô Đốc Vũ Văn Dũng đi sứ sang Nhà Thanh. Trong cuốn gia phả này còn nói rõ sau khi Quang Trung - Nguyễn Huệ mất Đô Đốc Vũ Văn Dũng cùng đoàn sứ bộ về nước, phục vụ triều đình một thời gian ông nhận thấy Triều đình không còn được như trước Ông cáo bệnh từ quan về vui thú điền viên tại nhà. Ngày 6/7 Năm Quý dậu (1813) ông mất Thọ 70 tuổi.
- Theo tư liệu của Đền thờ Lọc Trung, phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn: Đứng trước những hành động trả thù dã man của Nhà nguyễn. Đô Đốc Vũ Văn Dũng sau khi thoát khỏi vòng vây truy quét của quan quan Nhà Nguyễn ở Nông Cống Thanh Hóa, ông đã bí mật đưa con cháu đến đất Lộc Trung - xã Lương Niệm - Trấn Thanh Hoa là mảnh đất vào năm 1789. Khi cùng Quang Trung Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc tiêu diệt 29 vạn quân Thanh xâm lược, đã dừng chân tại Thanh Hoá để tổ chức lễ thệ sư ở Thọ Hạc (thị xã Thanh Hóa). Đô đốc Vũ Văn Dũng đã có điều kiện đến vùng Sầm Sơn chiêu mộ thêm binh sỹ. Ông mến vùng đất phong cảnh hữu tình, tụ linh tụ đức nên quyết chí đưa con cháu về đây khai hoang lập ấp, lập nghiệp. Đề phòng tung tích bị bại lộ di hoạ về sau, ông đổi họ của mình thành họ Nguyễn Sĩ, tên hiệu là Cương Dũng.
Theo gia phả dòng họ Nguyễn Sĩ ở làng Lộc Trung và gia phả họ Nguyễn Văn ở Thôn Hán Trung, Xã Hoằng Hải - Hoằng Hoá đều ghi nhận giống nhau: Thuỷ tổ là Cương Dũng. Cương Dũng sinh ra ở Cương Nghị. Cương Nghị sinh ra Cương Hiền (con trưởng) tên thường gọi là Đố Tài, con thứ là Đức Mậu, thường gọi là Đồ Tá. Cả hai ông đều đậu sinh đồ. Ông thuỷ tổ Cương Dũng một võ tướng giỏi của Triều Tây Sơn, thất cơ bị triều đình Nhà Nguyễn bắt tội nên phải đổi họ, đem con cháu đến vùng này để lập nghiệp. Để phòng tung tích bị bại lộ di hoạ về sau nên ông Cương Dũng đã cho cháu đích tôn sang Hoằng Hoá lập nghiệp, sau này lập ra làng Hán Trung. Còn em, Đồ Tá ít tuổi ở lại với cha sau này lập thành làng Lộc Trung
Chính mối quan hệ ấy trong dân gian có câu: Quảng Xương Đố Tá - Hoằng Hoá Đồ Tài. Cũng như câu đối ở đền thờ họ Nguyễn làng Hán Trung ( Hoằng Hoá) có câu đối:
Phái xuất Quảng Xương thiên cổ viễn
Cô bồi Hoằng Hoá ức niên trường.
(có nghĩa là: Chi phái ở Quảng Xương ngàn thuở xa thẳm. Móng nền bồi đắp vững, Hoằng Hoá ức niên lâu dài).
Hoặc câu đối thứ 2:
Quảng Dụ phúc nguyên sầm cổ hải
Hoàng khai đức thụ Ngọc sơn kim
(Có nghĩa là: Quảng xương đắp bồi nền hạnh phúc, biển Sầm Sơn ngàn thưở trước. Hoằng Hoá mở mang công đức độ núi Trường Ngọc ngày nay).
Theo gia phả Mộ ngài Cương Dũng chôn ở Cồn Gác: Ngày giỗ 8 tháng 3. Mộ ông Cương Nghị chôn ở cồn Hổ, giỗ ngày mùng 3 tháng 3. Lúc đầu ông bỏ tiền tậu 36 mẫu đất, vừa lấy đất ở vừa lấy đất ruộng, sau dần con cháu dùng ruộng đất lên tới 360 mẫu lập ra làng Lộc Trung.
Ngoài gia phả, đền thờ Cương Dũng còn có câu đối rất đáng chú ý:
Quang Trung chính đức
Cương Dũng tâm trung
Tạm dịch là: Vua Quang Trung ( tức Nguyễn Huệ) lấy đức trị thiên hạ. Cương Dũng ( tức đô đốc Vũ Văn Dũng) giữ lòng trung thờ vua.
Hơn nữa, trong mấy năm gần đây, dòng họ Vũ Đình ở thôn Đan Giáp, xã Thanh Giang, Huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, dòng họ Võ ở làng Phú Mỹ, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Đinh (Qui Nhơn) đã đến dòng họ Nguyễn Sĩ ở Lộc Trung Phường Quảng Tiến để nhận họ hàng dòng tộc và quê hương xứ sở cội nguồn. Đó là những bằng chứng lịch sử để khẳng định: Vũ Văn Dũng Võ Văn Dũng hay Cương Dũng hoặc Nguyễn Sĩ Dũng cũng chỉ là một người, đó là đô đốc Dũng một danh tướng của vị anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ. Ông đã góp phần quét sạch 29 vạn quân Thanh xâm lược ra khỏi đất nước, giải phóng kinh thành Thăng Long, giải phóng tổ quốc vào mùng 5 tết kỷ dậu (1789). Đó là một chiến công vĩ đại và hiển hách vào bậc nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
Tóm lại: Vũ Văn Dũng con người tài trí - một tướng lĩnh lừng danh nổi tiếng, đã tô thắm thêm trang sử hào hùng của dân tộc ta hồi cuối thế kỷ 18.
Tên tuổi, gia đình, dòng họ của ông đã và sẽ mãi mãi gắn liền với mảnh đất Lộc Trung, Quảng Tiến - nơi ông cùng con cháu mình khai thiên lập ấp để Quảng dụ phúc nguyên sầm cổ hải, cũng là để Chính trung thiên đức ( chính trực ngay thẳng là như ý của trời) mà chỉ có bậc trung quân - ái quốc như ông mới có.
Chính vì vậy, sau khi ông mất, làng Lộc Trung lập đền thờ. Thời Vua Tự Đức ( 1848 - 1883) ban sắc phong là Bậc Thành Hoàng thượng đẳng phúc thần Đại vương
Các triều đình phong kiến đều có sắc phong thần và phong nhiêu mĩ tự như: Bảo vệ tổ quốc, ủng hộ nhân dân - được ban 4 chữ Bảo chiếu Đàm ân, nghĩa là công giữ nước giúp dân là vô cùng quí giá cần được soi sáng rộng khắp. Trong bài văn tế của làng Lộc Trung ông được con cháu suy tôn là Thượng đẳng thần tối linh, hiểu ứng linh thông - quả đoán đại vương.
Qua hơn hai thiên niên kỷ, Con cháu của Chiêu viễn hầu, Đại đô đốc đại tướng quân Dực vận công thần Vũ quốc công Vũ Văn Dũng vẫn giữ được truyền thống của cha ông dòng tộc. Nhiều người đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi ách xâm lăng, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trong đó Đặc biệt Có Đại tướng Võ Nguyên Giáp Vị Tổng tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, Người đã chỉ huy quân đội đánh duổi 2 thực dân đế quốc hùng mạnh của thế giới ra khỏi bờ cõi, Người được thế giới vinh danh là 1 trong 10 tướng tài giỏi của thế giới. Đại tướng là Huyền tôn Hậu duệ đời thứ 6, là con trai thứ 8 của Chiêu viễn hầu, Đại đô đốc đại tướng quân Dực vận công thần Vũ quốc công Vũ Văn Dũng.
Đền thờ Đô Đốc Dũng được xây dựng trên một khu đất rộng 13 sào bên cửa sông Lạch Trào, nay là địa điểm qui hoạch xây dựng cảng Hới. Đền quay về hướng Tây Nam, có qui mô khá lớn. Ngoài cùng là nghinh môn có 3 tầng có voi ngựa đá chầu hai bên qua nghinh môn là bái đường rồi đến Tiền đường, ở giữa là Trung đường, sau cùng là nhà chính tẩm. Ngoài ra còn có 2 dãy nhà ngang để làm nơi chờ đợi, Soạn lễ và để kiệu. Chung quanh có tường rào bao quanh và vườn cây cổ thụ sầm uất. Bên cạnh đền thờ có đình của làng hợp thành một trung tâm sinh hoạt văn hoá truyền thống của nhân dân địa phương.
Đền thờ Đô đốc Dũng là một quần thể kiến trúc nghệ thuật có giá trị về nhiều phương diện. Nó là sự thể hiện lòng ngưỡng mộ của nhân dân đối với người có công với nước với Làng. Nó cũng là thước đo chuẩn mực về tài năng nghệ thuật của người dân lao động địa phương.
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, chiến tranh huân tàn, thời gian dẫm đạp, đặc biệt trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, cùng với thời tiết nắng mưa gió bão của vùng biển, đến năm 1978 ngôi đền bị hư hỏng và bị tháo dỡ hoàn toàn.
Ngày 25/9/1993 Sở Văn hoá thông tin Thanh Hoá đã có Quyết định công nhận di tích đền thờ đô đốc Dũng là di tích LSVH. Và Năm 1994 Đảng và Chính quyền địa phương đã cho phục hồi lại di tích đền thờ Đô đốc Dũng, cho khoanh vùng bảo vệ để phát huy tác dụng của di tích trong việc giáo dục truyền thống cho lớp trẻ hôm nay và ngày mai luôn nhớ về cội nguồn tổ tiên, biết ơn công đức của lớp cha ông đã góp nhiều công sức đức độ Hộ quốc - Cứu dân, xây dựng mở mang cơ nghiệp. Hướng con người vươn tới Chân - Thiện - Mỹ.
Ngôi đền thờ Đô đốc Dũng đã gắn bó với thế hệ người dân làng Lộc Trung và cả phường Quảng Tiến qua nhiều thế kỷ, nó có ý nghĩa xã hội rất sâu sắc - vị thần được nhân dân tôn sùng như sự đỡ đầu về tinh thần trong tiềm thức tâm linh. Là nguồn sức mạnh tinh thần bất tận. Tiếp sức cho nhiều thế hệ con cháu nơi đây bền bỉ trong công cuộc cải tạo vùng biển xình lầy, đồng chua nước mặn, thành quê hương trù phú như ngày nay.
Cho đến nay, đền thờ Danh tướng Vũ Văn Dũng chẳng những được con cháu trong dòng tộc bảo quản chu đáo, mà chính quyền địa phương hết sức quan tâm, Nhân dân địa phương và quanh vùng rất ngưỡng mộ, đã đóng góp tiền của, công sức xây dựng và tu bổ tôn tạo mỗi ngày một khang trang.
Đầu năm 2010, Đáp ứng lòng ngưỡng mộ của nhân dân theo đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. UBND tỉnh Thanh Hoá đã có chủ trương đầu tư kinh phí cho tu bổ cấp thiết ngôi hậu cung đền thờ Đô đốc Dũng, trong chương trình chống xuống cấp di tích năm 2010.
Còn ngôi Tiền đường được xây dựng từ năm 1995, trong giai đoạn này phường Quảng Tiến chưa có quy hoạch chi tiết, đường giao thông chưa được đầu tư xây dựng. Do đó nền nhà Tiền đường của di tích thấp hơn cốt đường giao thông hiện tại trên 0,50 mét; di tích lại nằm trên khu ruộng sản xuất nông nghiệp nên rất ẩm ướt, mỗi khi có mưa nước mưa tràn vào nền di tích làm cho các cột gỗ bị mục, đồ thờ bị ẩm mốc.
Để bảo vệ an toàn di tích trong thời gian trước mắt và lâu dài, UBND phường Quảng Tiến đã có văn bản trình UBND thị xã Sầm Sơn cho phép địa phương tổ chức tôn nền di tích lên 0,50 m ngang bằng cốt nền đường giao thông.
Đây là việc làm hợp với đạo lý Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây của dân tộc Việt Nam, là món quà tri ân tâm linh thành kính của nhân dân Làng Lộc Trung, cũng như của các Hương tử Đồng gia bản hội và quý khách thập phương, lạy dâng lên Đức Đô đốc hiển ứng linh thông - Quả đoán đại vương - hàm quan Thượng đẳng tôn thần.
TRƯỞNG BAN QUẢN LÝ DI TÍCH
Chủ tịch UBND phường
Trần Học Đính
Sưu tầm biên soạn